Du học tự túc: cẩn trọng tránh bị mất tiền oan

Bài viết đăng trên báo Hà Nội Mới: Trước nhu cầu du học ngày càng cao, nhất là tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, dịch vụ tư vấn về du học ngày càng phát triển. Tuy nhiên, lợi dụng sự nhẹ dạ, ít cập nhật thông tin của học sinh và gia đình, một số cơ sở làm dịch vụ tư vấn du học đã có nhiều mánh khóe để lừa đảo. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo những người có nhu cầu du học nên cẩn trọng để tránh gặp rủi ro, mất tiền oan khi tìm hiểu dịch vụ này.
Phụ huynh, học sinh tham dự một triển lãm, tư vấn về du học Mỹ và Canada năm 2018 (ảnh có tính chất minh họa).

“Mê hồn trận”!Tháng 11-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn thành phố, yêu cầu phổ biến tới học sinh, gia đình học sinh cảnh báo những thông tin sai lệch về du học Nhật Bản. Nguyên do là cơ quan chức năng đã phát hiện có cơ sở tư vấn du học lấy tên của Trường Đại học Công nghiệp Fukui (Nhật Bản) để lừa đảo. Cơ sở này tư vấn học sinh vào học một trường tiếng Nhật được chỉ định ở Tokyo trong 2 năm đầu tiên, sau đó sẽ được nhận học bổng của trường trong 4 năm học tiếp theo, tương đương 60% mức học phí của trường. Tuy nhiên, giấy chứng nhận cấp học bổng của Trường Đại học Công nghiệp Fukui đã được giám định là giả mạo. Điều đáng nói, đã có một số học sinh tin tưởng, ký kết hợp đồng và trả tiền môi giới.

Không ít học sinh có nhu cầu du học Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha… cũng bị một số cơ sở tư vấn du học lừa đảo. Ông Lê Văn Nam (phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên) chia sẻ: “Khi tìm kiếm thông tin về du học, gia đình tôi nhận được khá nhiều thông tin cho biết, nếu du học Nhật Bản có thể vừa học, vừa làm thêm với thu nhập mỗi tháng 60 triệu đồng; có nơi quảng cáo mức lương làm thêm trong một giờ là 600 nghìn đồng… Còn vài tháng nữa con tôi sẽ tốt nghiệp THPT, song gia đình tôi đang rất hoang mang, nếu thực sự con đi du học mà có thể vừa học, vừa làm với mức thu nhập như vậy, thì sẽ bớt gánh nặng chi phí cho gia đình. Tuy vậy, nếu không phải như quảng cáo thì biết bắt đền ai?”.

Cách đây không lâu, một phụ huynh học sinh phản ánh với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc đã ký hợp đồng làm giấy tờ trong 3 tháng để đưa con du học Canada với số tiền 250 USD. Tuy nhiên, hết 3 tháng, phía cơ sở tư vấn lại yêu cầu đóng thêm 100 USD để hoàn tất thủ tục, rồi lại thông báo lùi lại 2 tháng…

Có nhiều phụ huynh vì không có thời gian, không rành thông tin chọn trường cho con du học, nên đành phó thác hoàn toàn cho các cơ sở tư vấn. Giữa “mê hồn trận” về thông tin du học, không phải phụ huynh nào cũng có thể chọn lựa đúng nơi có thể gửi trọn niềm tin.

Hạn chế nguy cơ rủi ro
 

Sinh viên tham gia tư vấn du học. Ảnh: Phan Hân

Nhằm hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong việc tìm kiếm thông tin du học Nhật Bản nói chung và các nước khác nói riêng, tránh để bị lừa đảo, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Sở đã thông báo công khai những website chính thức thông tin về du học và yêu cầu các trường THPT phải báo cáo mọi hoạt động liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài.Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam là đơn vị có nhiều hoạt động liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài. Theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Lê Thị Oanh, nhà trường có không ít học sinh đáp ứng ở mức độ cao các yêu cầu của nhiều trường đại học quốc tế. Nhà trường đã thông tin đầy đủ tới phụ huynh học sinh về những khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm thông tin du học. Tuy nhiên, nhà trường xác định việc giáo dục hướng nghiệp và trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng là giải pháp bền vững, để các em có thể tự lập trong bất kỳ môi trường nào.

Mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cảnh báo phụ huynh học sinh về nguy cơ có thể bị mắc lừa, bởi những thông tin sai lệch về du học và cho biết mức lương phổ biến cho một giờ làm việc là khoảng 7 USD. Tên của 12 công ty tư vấn du học không tuân thủ quy định của pháp luật cũng đã được đăng tải trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Theo đó, hồ sơ xin visa qua 12 công ty này sẽ bị từ chối trong 6 tháng, kể từ tháng 10-2018.

Theo bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên – Chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), trên thực tế, lừa đảo trong việc xin visa chỉ là một trong nhiều chiêu trò để gian lận, phụ huynh học sinh cần cẩn trọng khi có nhu cầu cho con du học. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường giám sát việc tuân thủ luật pháp đối với các cơ sở tư vấn du học; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở này để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, hạn chế nguy cơ rủi ro cho học sinh.

Một biện pháp khác cũng vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện và nhận được sự phản hồi tích cực từ dư luận, phụ huynh học sinh là việc công khai danh sách các cơ sở tư vấn du học được cấp phép theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng và xử lý nghiêm khắc những cơ sở hoạt động chui. “Việc công khai các cơ sở tư vấn du học hoạt động nghiêm túc là cần thiết để phụ huynh có kênh thông tin tin cậy. Cách thức này còn nhằm huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc giám sát tình hình hoạt động của các cơ 
sở, đơn vị nào có sai phạm sẽ bị tố giác kịp thời” – Bà Trần Thị Lan (phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm) nhận định.
 

Tính đến ngày 31-11-2018, trên địa bàn TP Hà Nội có 416 cơ sở tư vấn du học đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Thông tin cụ thể về địa chỉ, số điện thoại, số giấy chứng nhận đăng ký hoạt động… của các cơ sở này được niêm yết tại địa chỉ www.hanoi.edu.vn. Trong trường hợp không thấy tên cơ sở trong danh sách, phụ huynh học sinh không nên ký kết hợp đồng và thông tin ngay với cơ quan chức năng.